Lá cây cảnh bị vàng lá do nguyên nhân nào?

Cây cảnh thường có biểu hiện lá vàng rồi rụng, thậm chí có thể chết. Hiện tượng này do nhiều nguyên nhân, các nhà trồng hoa cần căn cứ các dấu hiệu để phán đoán, sau đó dùng thuốc cho đúng.

Lá cây cảnh bị vàng lá do nguyên nhân nào

1. Cây cảnh bị khô

Khi cây không thể nhận được nước lá sẽ biến nhạt và vàng, mặt lá nhăn và không bóng, cuống lá uốn mềm, cả lá rủ xuống, phía dưới lá vàng khô rồi lan rộng lên cả lá, nếu không kịp thời tưới nước cây sẽ chết khô. Nguyên nhân của bệnh này là: Số lần tưới nước quá ít, không khí khô, lượng bốc hơi lớn, nước không đáp ứng nhu cầu; hoặc là mỗi lần tưới lượng nước quá ít, chỉ tưới lên bề mặt đất, không đến được bộ rễ. Tình trạng này dễ xảy ra, ta cần chú ý.

2. Nước trong chậu quá nhiều

Nước quá nhiều cūng không được. Nếu nước nhiều hàm lượng nước trong đất quá lớn, bịt kín các kẽ hở trong đất không khí không vào được trong đất, gây ra tình trạng thiếu oxy và rễ cây bị thối. Khi nước trong đất quá nhiều, cây thường có biểu hiện màu lá non nhạt,nhạt, sau đó lá vàng. Cứu vãn tình trạng này là lập tức ngừng tưới nước, bón phân, xới đất cải thiện điều kiện thoáng khí trong đất.

3. Nhiệt độ không khí quá cao

Một số loài cây hoa ưa mát và ưa bóng, nếu trong mùa nóng, cây bị chiếu nắng rất dễ làm cho ngọn lá khô, phải chuyển cây vào trong râm mát ngay.

4. Thiếu ánh sáng

Phần lớn các loài cây hoa ưa sáng và có thể để lâu dài dưới nắng, nếu để trong râm cây sẽ mọc yếu, không những không hình thành cành lá mới, mà hoa cũng không nở được, lá vàng héo. Phát hiện tình hình này phải di chuyển ra nơi có ánh sáng đầy đủ. Chú ý là trong điều kiện khí hậu nóng bức vẫn phải tránh để dưới ánh nắng trực xạ, đặc biệt là vào buổi trưa.

Thiếu ánh sáng

5. Thiếu phân nghiêm trọng

Bất cứ loại cây hoa nào, nếu lâu không bón phân, làm cho đất thiếu dinh dưỡng, cành lá yếu, lá biến vàng, không mọc thêm cành nhánh mới, cây không ra hoa. Phát hiện tình trạng này cần lập tức đảo chậu, thay đất mới và định kỳ bón phân.

6. Bón phân quá nhiều

Nhiều người muốn cây mọc nhanh, cho nhiều hoa, bón thật nhiều phân đặc hoặc bón quá nhiều lần, như vậy sẽ làm cho dịch tế bào chảy ra ngoài, dẫn đến mép lá vàng khô (nhất là các loại phân chưa hoai). Đặc biệt khi dùng phân vô cơ (phân hóa học) phải nắm vững nguyên tắc giữ loãng tránh đặc. Khi phát hiện bón quá nhiều phân phải ngừng lại và tưới nhiều nước lã hoặc lập tức đảo chậu thay đất mới.

7. Đất có độ kiềm cao

Cây hoa sống trong đất có trị số pH khác nhau. Có loại ưa chua, có loại ưa trung tính và có loại ưa kiềm. Nói chung đất vùng nhiệt đới và á nhiệt đới thường có tính chua, vùng ôn đới và hàn đới có tính kiềm.

Nếu cây ưa chua sống trong đất pH vượt quá 6,5 dễ làm cho cây chết, cây trung tính thích nghi với đất có pH 6,6 - 7,2 nhưng quá trị số đó cây khó sinh trưởng. Đất hơi kiềm lá sẽ biến thành màu trắng. Gặp hiện tượng này cần thay chậu và chuyển sang đất chua hoặc thường xuyên tưới sunfat sắt 0,2%, hoặc tưới phèn pha loãng.

Đất có độ kiềm cao

8. Đất có độ chua cao

Ở các vùng đất chua có một số loài cây ưa kiềm như: trúc đào lá hẹp, hoàng dương, mai lá ruối, hoa báo xuân (chúng cần pH 7-8) cũng có thể xuất hiện cành lá vàng, cành thưa. Lúc ấy cần phải đảo chậu thay đất, trong đất cần trộn thêm tro bếp, nếu phát hiện đất có pH 5,5 còn phải trộn thêm một ít vôi vào trong đất.

9. Khả năng thoáng khí, thấu quang kém

Nếu điều kiện thoáng khí không tốt và ánh sáng không đủ, cũng rất khó làm cho cây con mập khỏe. Một số nhà trồng hoa thiếu kinh nghiệm, bón phân đạm quá nhiều làm cho cành lá dài, lại tỉa cành không kịp thời, dày đến mức không thoáng gió, ánh sáng chiếu không hết cả cây, ảnh hưởng đến hô hấp và quang hợp, gây ra mất dinh dưỡng, lá vàng và rụng.

Phát hiện được tình trạng này phải kịp thời tỉa cành, cắt bỏ các cành trùng lặp, và bón một ít lân, kali cho cây trở lại bình thường.

10. Không khí quá khô

Về mùa đông, do đốt lò để giữ nhiệt làm cho nước trong phòng giảm, không khí bị khô. Môi trường đó rất không có lợi cho cây hoa để trong phòng, cây dễ bị hiện tượng khô ngọn lá, trên lá xuất hiện đốm cháy, cuốn lá. Lúc đó dùng nước phun mặt lá và cành.

Không khí quá khô

Đối với một số hoa lan, lan quân tử, hoa trà, mẫu đơn, sau khi phun nước phải dùng túi nhựa (cắt 2 góc để thông hơi) đậy lên.

11. Kích thích mạnh

Khi cây hoa còn non, bị kích thích mạnh của điều kiện môi trường, dễ phát sinh sự ngăn cản sinh lý, thậm chí cây bị chết. Nếu dùng phân hóa học hoặc thuốc trừ sâu, gặp nhiệt độ cao và đột nhiên có gió lạnh, trong không khí có hơi độc, cây sinh trưởng kém lá khô vàng. Điều này nhắc nhở chúng ta chú ý, khi đốt lò sinh ra khí CO là một loại khí có hại cho cây. Nhiều người không tìm hiểu tác hại của khí độc này, để chậu hoa đặt dưới bếp lò, làm cho cây chết. Cho nên, khi sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu cần phải rất cẩn thận, nồng độ không nên quá cao. Trong mùa nóng, buổi trưa không thể dùng nước lạnh tưới hoa, không để chậu hoa gần bếp.

12. Bị sâu bệnh hại

Trong thời kỳ sinh trưởng phải chú ý tác hại của sâu bệnh hại. Các bệnh thường gặp: bệnh phấn trắng, bồ hóng, mốc, gỉ sắt. Hiện tượng này có thể sử dụng nước Boocđô, Zineb, Bavistin, Benlat và nhổ cây bệnh đốt đi. Sâu hại cây hoa có rất nhiều như nhện đỏ, rệp sáp, bọ xít, bọ nẹt, sâu xanh, sâu ẩn (vẽ bùa), sâu đo. Trừ sâu có thể dùng thuốc Dipterex, Rogor, DDVP để phun.

Viết bình luận